Hoang mang sĩ tử “sống thử”
Nhiều bạn trẻ cay đắng nhận ra, "sống thử" rồi mới biết cuộc sống không lãng mạn như mình nghĩ...
Những cặp “vợ chồng lớp 13”...
Theo chân Liên - sinh viên năm thứ 3, Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội chúng tôi tìm đến khu trọ của cô để được “tận mục sở thị” cuộc sống thử của những cặp “vợ chồng” sĩ tử lớp 13 tại đây.
Theo như lời của Liên, các sĩ tử lớp 13 dù chưa là sinh viên nhưng cũng sành sỏi chẳng khác gì các “ét vê”. Họ yêu đương tay đôi, tay ba rồi cũng tranh thủ dọn về sống thử với nhau như những cặp vợ chồng thực thụ. “Ối! chúng nó (sĩ tử lớp 13 - PV) bây giờ liều lĩnh và táo bạo lắm. Một số em được cha mẹ cho lên đây ôn luyện nhưng sớm nhiễm các thói ăn chơi, cũng lao vào đề đóm, điện tử, yêu đương rồi sống thử như ai vậy. Với các em ý học chỉ là chuyện thường, yêu mới là chính...”, Liên cho biết.
Cả dãy trọ nơi Liên đang sống có tất cả 10 phòng nhưng từng có tới 3 phòng là của 3 cặp “vợ chồng” sĩ tử sống thử với nhau. Cách đây đúng 3 tuần, một cặp “vợ chồng” cùng quê Thanh Hóa vừa phải khăn gói về quê vì cái thai trong bụng quá lớn, không thể bỏ được. Hai người này cùng quen nhau trên một chuyến xe ra Hà Nội ôn thi đại học và ra đến Hà Nội là dính luôn “tiếng sét ái tình”. Không hiểu chàng trai thuyết phục kiểu gì mà chỉ một tháng sau, cô gái đồng ý dọn đến ở chung. Mới đầu đến ở với nhau, cả hai tỏ ra khá hòa thuận, học hành chăm chỉ lắm.
Ấy vậy mà chỉ được một thời gian sau, số buổi lên lò luyện cứ giảm dần để nhường thời gian cho tình yêu. Kết quả là cô gái bị “dính” bầu và hôm bố mẹ hai bên lên dàn xếp chuyện của hai đứa đã không khỏi choáng váng. Mẹ của cô gái đã không ít lần khóc lên khóc xuống vì trong trí tưởng tượng của bà, bà vẫn nghĩ rằng đứa con gái ngoan của mình không thể nào làm được những chuyện như thế.
Tiếp cận với L. quê ở Mỹ Hào, Hưng Yên, đang ôn thi vào Trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền (1 trong 2 cặp sĩ tử còn lại cùng dãy trọ với Liên) chúng tôi được biết, L. và “vợ” là T. quê ở Thái Nguyên đang ôn thi vào trường Đại học sư phạm Hà Nội tình cờ quen nhau trong một lò luyện ở Cầu Giấy (Hà Nội). Cả hai mới ra đây ôn thi từ ngoài Tết. Học cùng một lò luyện thi lại ở cùng một dãy trọ, sớm tối lúc nào cũng nhìn thấy mặt nhau nên L. và T. phát sinh tình cảm với nhau lúc nào không biết. Dù biết thời gian để ôn luyện không có nhiều nhưng lỡ có tình cảm với nhau nên cả hai đã quyết định dọn về sống chung với nhau để còn “giúp nhau học tập”.
L. tâm sự: “Biết là yêu thì sẽ ảnh hưởng đến việc học, nhưng lỡ có tình cảm với nhau rồi nên chúng em không thể xa nhau được. Với lại anh tính, bây giờ lên Hà Nội, sống xa gia đình nên có rất nhiều chuyện phức tạp. Vậy tại sao không nương tựa vào nhau mà sống? Mình còn trẻ nên suy nghĩ cũng phải thông thoáng hơn người lớn”.
Tuy nhiên, chính L. cũng phải thừa nhận từ khi về sống với nhau, thời gian vui vẻ cứ giảm dần để nhường chỗ cho những cơn cãi vã, to tiếng. “Cả hai bọn em vẫn còn ít tuổi, chưa vượt thoát khỏi cái “lốt” trẻ con nên đôi lúc chẳng ai chịu nhường ai. Em toàn phải dành nhiều thời gian để làm lành sau những cuộc cãi vã chính vì thế mà tâm trí dành cho việc học cũng bị phân tán đi. Đang lo không biết từ giờ cho đến khi kỳ thi đại học diễn ra có học hết chương trình để kịp thi không nữa. Năm nay mà rớt nữa thì chỉ có nước về nhà làm phụ hồ thôi...”, L. than thở.
...Đến học sinh mới thi xong tốt nghiệp
Chuyện các sĩ tử “lớp 13” có thời gian để tìm hiểu, yêu đương rồi sống thử với nhau còn có cớ để tin nhưng choáng váng hơn khi có những teen vừa mới thi xong tốt nghiệp, mới chân ướt chân ráo lên thành phố cũng đã tập tành sống thử.
Với sức học vào loại khá nên thi xong tốt nghiệp là M. tự tin gói ghém quần áo rời Quảng Bình ra ngay Hà Nội để tìm lò luyện thi đại học. Được bà cô giao cho hẳn một căn hộ chung cư gần lò luyện để đi lại cho tiện nên M. không phải bận tâm gì đến chuyện ăn ở. Tuần đầu mới ra, M. chỉ biết học và học.
Lơ là nhiệm vụ ôn thi khi lên thành phố, nhiều sĩ tử đã đánh mất những cơ hội bước chân vào giảng đường đại học, thậm chí phải trở thành những ông bố, bà mẹ bất đắc dĩ ở độ tuổi chưa đáng có.
Qua những lần chat chit trên mạng, nữ sinh T. (Thái Bình) tình cờ biết Q. (Bắc Ninh). Tình yêu giữa họ nảy nở khi họ nhận ra cả hai đều có chung chí hướng trở thành bác sĩ, đều thi khối B. Tuy nhiên, Q. là sĩ tử “lớp 13” đã có “thâm niên” trượt đại học 1 năm nên được bố mẹ tạo điều kiện cho ra Hà Nội ôn thi từ hồi cuối năm 2008. Hai bên giao hẹn với nhau khi nào thi xong tốt nghiệp THPT là T. phải xin gia đình cho ra Hà Nội học ôn cho bằng được để có điều kiện “giúp đỡ” nhau.
Để trấn an phụ huynh, T. phải “cầu cứu” chị gái đứa bạn thân đang học đại học ở Hà Nội gọi điện về “bảo lãnh” thì gia đình mới chịu cho lên. Vừa bước chân lên đến bến xe Mỹ Đình, T. đi thẳng về phòng trọ của Q. và sống với nhau như một cặp “vợ chồng sĩ tử” thực thụ. Khỏi phải nói, đôi sĩ tử này đã quấn lấy nhau như một đôi sam sau những tháng ngày xa cách.
Chị gái đứa bạn thân biết đến can ngăn thì T. hờn dỗi: “Chị nhìn thấy em đang hạnh phúc mà không mừng lại còn dùng lời lẽ để chia cách. Em và anh ấy yêu nhau đã lâu, không có cơ hội bên nhau nhiều nên phải tranh thủ từng giây, từng phút. Mong chị thông cảm và thấu hiểu cho em”. Bà chị bạn nghe T. nói thế cũng đành bó tay ra về.
Sống thật với nỗi hoang mang
Khi hỏi một số sĩ tử, bạn không sợ sẽ ảnh hưởng đến việc ôn luyện của mình hay sao mà lại lao vào yêu đương, sống thử? Nhiều người hồn nhiên trả lời, sống thử có gì là xấu đâu. Họ lý giải rằng, việc rời gia đình lên thành phố ôn luyện khiến họ rất thiếu thốn tình cảm nên sống thử hòng “bù đắp” cho nhau cũng là một chuyện dễ hiểu. Một số khác lại cho rằng, trong môi trường học tập cần phải có người để trao đổi bài vở thường xuyên thì việc sống thử vừa giúp họ thuận lợi trong học tập lại thỏa mãn được vấn đề tình cảm...
Tuy nhiên, khi đề cập đến cảm nhận của mỗi người sau một thời gian sống thử với nhau thì đại đa số đều thay đổi hẳn thái độ. Một số im lặng, cúi đầu một cách khó hiểu. Một số thật thà bộc bạch: “Khi về sống thử với nhau, bọn em chỉ nghĩ đơn giản là biết có được làm sinh viên hay lại trượt, lại phải về quê lấy chồng sinh con nên tranh thủ sống với nhau.
Nhưng sống thử rồi mới biết cuộc sống không lãng mạn như mình nghĩ. Tự do bị hạn chế. Việc học chẳng đâu vào đâu. Lúc nào cũng thấp thỏm lo sợ mất người yêu và sợ người nhà lên phát hiện. Hoang mang hơn cả là học không vào, càng học càng thấy lỗ hổng kiến thức càng nhiều...”. Đấy không chỉ là tâm trạng riêng của một người mà là tâm trạng chung của rất nhiều sĩ tử đang sống thử. Họ rất hoang mang nhưng không dám nói ra vì sợ xấu hổ.
Giadinhnet
cảm ơn bạn đã add logo của minh` .mình cũng đã logo của bạn rồi .Hợp tác dzui dzẽ nha
Trao đổi logo nha bạn, chúc vui vẻ! :D
Tôi add logo của bạn rùi